Giới thiệu bài viết của một thành viên tổ Ngoại ngữ
It’s really hard to say goodbye!
It’s for you
It’s really hard to say goodbye
To you
My truthful friend and colleague
It’s really hard to say goodbye
When my heart is full of
The memories
We had
I’ll never forget
The time we worked together
The flowers
You gave me on my birthday
The journeys we made
I’ll never forget
The parties
We had
The experiences and secrets
We shared
Deep in my heart
It’s forever
A very sad summer
We have to say goodbye!
From: Van Thi Hoa(Ms Peace)
To: Van Thi Thoi(Ms End)
ĐÔNG ẤM
Đã cuối đông rồi mà heo may vẫn còn ràn rạt thổi qua những tán cây bàng, cây phượng khẳng khiu ngoài cửa lớp. Những chiếc lá bàng đỏ úa khẽ chao nghiêng rồi thong thả xoay vòng, đáp xuống sân trường yên lặng. Đang giờ học. Đám học trò trong lớp khẽ xuýt xoa. Qua những ô cửa không kính, gió lạnh thản nhiên tràn vào. Lam cũng cảm thấy se sắt trong lòng. Mùa đông này trời lạnh quá!
Sáng hôm nay lớp của Lam đã bị thầy Hiệu trưởng phê bình trước toàn trường trong giờ sinh hoạt chào cờ. Lam thấy lòng mình chao đi khi nhìn lớp trưởng hai tay nhận lá cờ thi đua màu trắng uể oải bước về lớp. Hơn ba năm đứng trên bục giảng, Lam thấy về chuyên môn mình đã tự tin và vững vàng hơn biết chừng nào. Cũng chừng đó năm làm công tác chủ nhiệm, nhưng lúc nào Lam cũng thấy mình trong trạng thái bất an. Nghe đâu có vụ đánh nhau là tim đập thình thịch trong lồng ngực. Lạy trời đừng có rơi vào lớp của mình. Rồi cả trường xôn xao vì vài học sinh quá vô lễ với giáo viên. Lam hớt ha hớt hải chạy đi hỏi có phải học sinh 10A6 không vậy? Sau mỗi cái “không” là một sự nhẹ nhõm ùa vào lòng. Và, lúc đó, Lam thấy mình thật là hạnh phúc. Nhiều lúc Lam tự hỏi mình, hạnh phúc đơn giản vậy thôi sao?
Từ một vùng xa xôi lặn lội vào mãi tận đây, rồi chọn mái trường này làm điểm dừng chân để trải lòng cùng với học trò, đồng nghiệp, nhiều lúc Lam cũng không hiểu mình quyết định như vậy có đúng hay không? Lam nhớ cái ngày đầu tiên về công tác, trường không có ký túc nên tối đó Lam và một đồng nghiệp, (cũng mới như Lam), lang thang đi tìm nhà trọ. Rồi, tụi Lam đã được một cậu học trò dắt về nhà, nói với ba mẹ cho cô con ngủ nhờ một đêm. Mà Lam và cô bạn đã từng dạy ai đâu? Không nhà, không gia đình, không bạn bè thân thiết, Lam cũng không biết mình đã dựa vào gì mà ở lại trên mảnh đất này trong suốt ba năm qua?
Một ngôi trường nằm trên vùng bán sơn địa lắm nắng lắm mưa. Một Hội đồng sư phạm, theo Lam nghĩ, là rất đoàn kết. Tụi trẻ như Lam được quan tâm giúp đỡ rất nhiều. Thầy hiệu trưởng với cặp kính to sụ, ít khi thấy cười, lúc mới về, cứ gặp thầy là Lam sợ ... nên quên chào thầy luôn. Rồi thầy hiệu phó nhìn cứ khó đăm đăm mà sau này Lam mới thấy là thầy dễ mến biết chừng nào. Duy chỉ có học trò, tinh nghịch, phá phách, nhưng kì lạ thay, ngày càng ngày Lam cảm thấy yêu chúng làm sao! Mới đầu tiên Lam đã có ý nghĩ ... bỏ nghề. Nhưng rồi, Lam đã không vì sự nghịch ngợm của chúng mà bớt đi lòng yêu thương. Cũng như Lam cũng không vì vị thứ thi đua hay danh hiệu này nọ mà giảm đi lòng nhiệt huyết của mình. Khát khao được dạy học, được giáo dục học sinh, và hơn thế nữa là niềm hạnh phúc tột cùng khi đứng trên bục giảng trong tà áo dài tha thướt, các em nhìn lên cô với ánh mắt yêu thương và ngưỡng mộ. Và, cái cảm giác thích thú khi được cầm cây bút, rà rà vào tờ danh sách trước ánh mắt lo sợ của học trò trong giờ kiểm tra bài cũ. Đơn giản vậy thôi, tất cả đã làm thành giấc mơ cô giáo từ khi Lam còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngày xưa của Lam cũng như đám học trò bây giờ, nghịch ngợm, phá phách... nên Lam cảm thông và hiểu học trò lắm!
Nhưng học trò đâu có chịu hiểu cho Lam. Như sáng nay, vị thứ cuối trường và lời phê bình của thầy hiệu trưởng cũng như một dấu chấm hết cho mọi nỗ lực của cô và trò trong suốt mấy tuần qua. Có gì đâu? Một vài em quên mang bảng tên khi đi học. Các em giải thích với Lam rằng: Em ủi vô áo rồi mà không biết vì sao nó rớt mất cô ơi! Rồi vài ba em đi học trễ (Cô ơi nhà em ở xa, trên đường em đi học lốp xe lại bị lủng!). Chẳng hiểu vì sao đang trong giờ học văn, một bức thư tình nào đó lại nằm ngay trên sàn, cô giáo dạy văn đi lên đi xuống bắt gặp được. Cô mở ra xem và rồi ôi thôi, lũ học trò của Lam được một phen tối mày: nào là hư, không lo học mà chỉ lo yêu đương nhảm nhí, mới nứt mắt mà đã đòi... Vài em thanh minh. Thế là một loạt bản tự kiểm điểm ra đời. Giờ học với điểm học tập zêro, nề nếp zêro cũng được được sinh ra từ đó. Tệ hại hơn, Nam , cậu học sinh chấm điểm thi đua của lớp lại quên nộp sổ (Thưa cô, hôm thứ bảy rồi má em bịnh nên em lo chạy về...). Lam ôm đầu kêu trời, biết làm sao trước những lí do nghe... cũng có lí (giống như tuị lớp Lam đã từng thanh minh với cô chủ nhiệm mình ngày xưa) của học trò đây?
Qua những ô cửa không kính, mua phùn lất phất bay vào lớp học. Mưa nhẹ như những sợi tơ đan vào nhau trong không gian trông đẹp quá. Lam quay quắt nhớ những ngày mùa đông ở quê nhà, gió xao xát ngoài hiên, còn trong nhà mẹ bung nồi ngô bên bếp lửa hồng ấm lạ. Mấy chị em Lam giờ mỗi người một nơi, kẻ đi làm, người đi học, mẹ ở nhà một mình chắc buồn nhiều lắm. Nhất định Tết này về, Lam sẽ chắt chiu sắm cho mẹ chiếc điện thoại. Như giờ đây, Lam muốn nghe giọng nói của mẹ cho nhẹ lòng, mà không biết làm sao.
- Cô ơi!
Chết, đang giờ học sao mình lại nghĩ lung tung vậy nè!
- Gì vậy em?
Lớp trưởng ngập ngừng:
- Em xin thay mặt cho tất cả các bạn, xin lỗi cô. Chúng em chỉ mong rằng cô đừng buồn nữa. Tuần đến lớp mình sẽ cố gắng đứng vị thứ nhất nghen cô.
Ủa, sao học trò lại biết mình buồn? Lam nghe cay cay nơi mắt. Thì ra là mình đã đánh rơi vài giọt nước mắt rồi. Hồi nào vậy ta? Ừ, cô không buồn nữa. 10A6 của cô rất ngoan mà! Trời đất xám xịt mà Lam thấy trong mắt học trò những tia nhìn lấp lánh nắng yêu thương. Giờ thì Lam biết rồi. Chính ánh mắt này đây đã níu chân Lam ở lại vùng đất này trong suốt ba năm qua và cả tương lai phía trước. Đã ngớt mưa rồi thì phải, còn đương đông mà sao đất trời hôm nay ấm lạ?
Văn Thị Hoà