Tổ Ngoại ngữ với những chuyến chu du
Tổ Ngoại ngữ cùng những phi vụ ăn chơi !
Điều khiến mình thật sự hài lòng về việc chuyển công tác từ trường THPT Sào Nam đến trường THPT Nguyễn Hiền là những người đồng nghiệp mới. Đúng như lời Thầy Đoàn Ngọc Ân đã nói: "Tin Thầy đi, em sẽ có thêm một gia đình mới, những mối quan hệ mới làm cuộc sống của em phong phú hơn.", tại môi trường công tác mới này, mình đã có những người đồng nghiệp mới thật dễ mến, đặc biệt là Tổ Ngoại ngữ, cùng những phi vụ ăn chơi đúng bài "dân Ngoại ngữ"!!!
Tổ Ngoại ngữ
Ngày mình đến, Tổ Ngoại ngữ gồm bảy thành viên, thêm hai thành viên mới là mình từ Sào Nam và Mít tờ Danh (nay có English name là Mr Fame) từ THPT Lê Hồng Phong. Tổ đã tổ chức đã đón thành viên mới bằng một bữa tiệc thật thân mật và một show Karaoke với những bài hát kèm những vũ điệu bốc lửa nhiệt thành (dù có những điệu nhảy hơi lạ lùng chút chút )
Để mình giới thiệu sơ sơ về các thành viên trong Tổ một chút. Đầu tiên là tổ trưởng Ms Peace(Cô Hòa), vốn ngày xưa là bạn học rất thân với mình. Ms Peace và mình biết nhau từ một cuộc thi HSG Văn ngày thơ. Sau lên cấp ba chung trường, chung lớp, và sau nữa, chung cả lớp Đại học. Ms Peace ngày xưa học giỏi, và bây giờ là một Tổ trưởng tài ba, có tài cầm quân và tổ chức các phi vụ ăn chơi cực kỳ sáng tạo. Một tổ viên cũng rất phong cách Ngoại ngữ, cực cá tính, tóc ngắn cũn, ghiền cà phê, mê nhạc Trịnh, mắc ... bịnh du lịch là Ms End(Cô Thôi), tiếc là đầu năm học mới này đã vừa chuyển trường đến THPT Duy Tân, Tam Kỳ. Một tổ viên khác, ấn tượng không kém là thủ quỹ Ms Kind(Cô Hiền), người duy nhất ở trường có tên được kèm theo bởi từ BANK, vì không chỉ lúc nào Ms này cũng mang theo money bên mình, mà còn rất nhiều, dường như ai đó muốn mượn bao nhiêu Ms này cũng có sẵn .
Tổ có hai thành viên nam, Mr Fame lớn tuổi nhất Tổ và Mr Voice(Thầy Tiếng) có cái miệng móm hay cười là một trong hai em út của Tổ. Em út còn lại là Ms Beauty(Cô Dung), mệnh danh HOT GIRL Tổ Ngoại ngữ. Ngoài ra còn các Ms khác là Ms Piety(Cô Hiếu), người sở hữu những vũ điệu bốc lửa và lạ lùng nhất, Ms Water(Cô Thủy), thiên tài về làm thơ và mình, Ms Charm(Cô Duyên), charming nhất
Và những phi vụ...
Về các phi vụ ăn chơi, thì kể không hết, chỉ biết là từ ngày mình "gia nhập" Tổ, các phi vụ này diễn ra đều đặn tuần tuần, tháng tháng, có khi là ...hứng bất tử, kể cả mùa hè cũng không ngăn được các thành viên "máu me" này gặp nhau.
Về khoản ăn mà nói, nhẹ nhẹ thì kéo nhau đi cà phê, ăn chè, bánh canh, bánh bèo. Trên mức một chút là các party, thường vào trưa thứ hai hàng tuần, tại nhà Ms Water, Ms End, Ms Kind hoặc Ms Peace. Party thường gồm những món đặc sản dân dã, không chỉ ngon cực kỳ mà còn rẻ ơi là rẻ nữa. Đó là những món trộn mít non, bí ngô non, dưa gang, búp chuối xúc bánh tráng. Là phở sắn nhưn cá chuồn, là bún mắm thịt ba chỉ, là cơm ăn kèm mắm đu đủ... Đầu bếp chính của các party này là Ms Peace, đi chợ thường là Ms Kind, Ms Water, hoặc bất kỳ ai trống hai tiết cuối sáng thứ hai. Nhưng về khoản này thì phải nể Ms Water, Ms này mà đi chợ thì mua được toàn thức rẻ mà ngon
Chơi thì có Karaoke, picnic, du lịch.
Karaoke của Tổ này thì không có chuyện hát chay, không có bài hát nào là không có nhảy hoặc múa phụ họa kèm theo. Ms Charm mình thích múa nhất nên thường chọn bài hát không phải để hát mà là để... múa. Những điệu múa có khi là múa dựng tượng, khi thì nhuần nhuyễn đầy nghệ ...thực, khi thì mang tính minh họa theo lời bài hát...
Mình gia nhập Tổ được một học kỳ cộng thêm mùa hè (thực ra nghỉ hè chỉ đúng một tháng rưỡi thôi), đi du lịch một chuyến Đà Lạt- Nha Trang, một picnic ở bãi biển Hà My và một ở vùng sâu Duy Nghĩa, Duy Hải thân thương.
Du lịch Đà Lạt-Nha Trang là một chuyến du lịch kỳ cục, tiết kiệm và vui nhất trên đời. Đối với giáo viên miền quê như bọn mình, du lịch dường như là cái gì đó hơi bị ...xa xỉ, nên mặc dù có mấy tháng hè rảnh rỗi, đã bao năm rồi mình không biết du lịch là gì, hoặc giả có đi thì cũng không ăn tiêu như dân du lịch đúng nghĩa được. Vậy mà nhờ cái Tổ đáng yêu này, mình đã có những ngày tuyệt vời, trong lần đầu tiên đến Đà Lạt- Nha Trang.
Nói là kỳ cục vì chuyến du lịch này không giống ai. Không giống ai bắt đầu từ bảng phân công của Tổ trưởng: Ms End kho cá bống, gà xào sả ớt. Ms Charm hon sườn. Ms Peace xíu thịt, làm mắm dưa. Ms Kind mua gia vị, đũa, tăm xỉa răng, bếp cồn, Ms End nồi cơm điện (),... Kế hoạch là sẽ tự nấu ăn trong suốt chuyến đi, thứ nhất là tiết kiệm, thứ hai là ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nấu ăn ở đâu ư? Lén lút nấu trong khách sạn 1 sao, chớ còn phải nói!
Chuyến picnic đáng để kể là chuyến mới đây nhất, chuyến đi Duy Nghĩa, Duy Hải. Ngoài các thành viên của Tổ còn có thêm 3 thầy giáo trẻ ngoại tổ đăng ký tham gia.
Hành trình bắt đầu lúc 7h30 từ xuất phát điểm Nam Phước, qua Duy Phước, Duy Vinh, và thẳng tiến Duy Nghĩa. Vô chợ Nồi Rang, ngồi xổm ăn rau câu, uống nước rau má xay, mua bánh lọc, cà pháo (giá rẻ hơn ở Nam Phước nhiều), Ms Charm mình tranh thủ mua được một mắt kính thời trang giá 30k
Mr Voice (quê Duy Nghĩa) đón bọn mình về nhà. Ai cũng trầm trồ khi nhìn thấy vườn đu đủ sai trái của nhà Mr Voice, cả giàn mướp với những cánh hoa vàng mơ rung rinh cũng như đang chào đón những vị khách quý bọn mình (mà cuối chuyến đi lộ diện là những tên ...nông tặc tàn bạo)
Tại nhà Mr Voice, bọn mình chuẩn bị một số thứ cho picnic tại bãi biển Duy Hải.
Đến biển, các Mít tờ trẻ trung nhanh chóng dựng lều, các Ms nhóm lửa cho nồi than đặng nướng ngay những con tôm biển vừa to vừa tươi ngon vừa rẻ (lại rẻ, và có lẽ "rẻ" là chủ trương quan trọng nhất của Tổ) mà Mr Voice đã mua tận bến lúc sáng. Bọn mình đã hát hò, chơi trò chơi, đáng nhớ nhất là trò chơi đố chữ, nói về các bộ phận trên cơ thể, khi Ms Kind đố "N", và Mr Voice trả lời ú ớ : Núm...
mà không nói được là "núm" gì!!!
Bọn mình kết thúc chuyến đi sau khi tắm biển tung tăng và về lại nhà Mr Voice xin về nào là khoai lang, đu đủ, mướp, mồng tơi, ớt... Thức nào cũng ngon ơi là ngon. Ms Kind "quơ" nhiều nhất. Ms Charm mình chỉ xin ớt. Thấy hơi...vô nhân đạo khi xin những thức xanh tươi khác mà mất bao nhiêu công sức của con người mới nhú lên được từ mênh mông cát trắng...
Sau chuyến đi, Tổ trưởng ra đề thi cho các tổ viên: Làm tặng Mr Voice một bài thơ. Tích tắc chưa đầy 5 phút, thiên tài thơ Ms Water đã đọc vang bài thơ như sau:
Duy Nghĩa Ký
Rồi một ngày "tụi nó" rủ nhau đi
5 xe máy, 10 người, Duy Nghĩa gọi
Hướng về quê với hương đồng gió nội
Chút "thị thành" xin gởi lại phía sau
Cầu Trường Giang nước xanh thẫm một màu
Nắng tháng tám nhẹ nhàng rơi trên tóc
Chợ Nồi rang cô bán hàng mời mọc
Út Tiếng cười tít mắt đón chúng tôi
Duy Nghĩa ơi yêu lắm những nụ cười
Những giàn mướp xanh, những hàng đu đủ
Những chị cá căn, những chàng tôm sú
Hơi thở ai nồng nàn như biển hát chiều nay...
Phút chia tay...
Ta mang theo lời thì thầm của Sóng!
Vâng, và phút chia tay, Ms Charm Cô Nhỏ mình đã thốt lên xúc động: Mấy người biết không, từ khi tui chuyển lên đây, mấy người đã giúp tui biến những điều không thể thành có thể!!! Nếu vẫn còn ở SN, có lẽ mình sẽ không bao giờ có những phút giây happy time như thế, cùng những người bạn đáng yêu như thế!
* Ms Charm mình tranh thủ mua được một mắt kính thời trang giá 30k, làm duyên bên gánh hàng rau câu
* Chợ Nồi rang cô bán hàng mời mọc
* Hai thầy giáo trẻ đang chọn mua mắt kính
* Duy Nghĩa ơi yêu lắm những nụ cười
* Những giàn mướp xanh...
... những hàng đu đủ
* Rửa rau bên giêng
* nói "thúi" trong giàn mướp
* Của mình sao bé thế nhỉ
* Ms Kind một mình ...manh động
* Chuẩn bị tre dựng lều
* Đường ra biển
* Có lều rồi!
* Nhập tiệc
Chuyện cây nến nhỏ
Có một cây nến nhỏ thắp sáng cả một gian phòng. Ánh sáng của nến rọi vào các đồ vật, và những đồ vật bắt sáng trở nên lung linh hơn. Cây nến thấy vui, cứ tự đốt cháy mình mãi, soi sáng cho tất cả. Thế nhưng có một lúc, nến bỗng tự suy ngẫm: Tại sao chỉ có mỗi mình ta soi sáng mãi cho mọi vật thế này? Ta nhận lại được gì? Ta sẽ cháy hết, ta sẽ tàn đời trong khi mọi vật vẫn cứ nhởn nhơ ư? Không thể tiếp tục thế này được!!! Và rồi ngọn nến quyết định tự tắt mình, không cháy nữa, mọi thứ trong gian phòng chìm vào trong bóng tối. Một người vào phòng, thấy tối mịt, liến thắp lên một ngọn nến khác. Nhìn thấy cây nến cháy dở đã tắt, người đó nghĩ, có lẽ cây nến này vô dụng rồi, nên liền vứt cây nến vào sọt rác.
Sáng qua, tại buổi Hội nghị công tác chủ nhiệm, Thầy giáo Nguyễn Văn Thời, trong bài tham luận của mình, đã kể câu chuyện trên và kết thúc tha thiết: Chúng ta không nên giống như ngọn nến kia, mà hãy cháy hết mình, cháy cho đến cuối cuộc đời...
Câu chuyện và lời của Thầy như thổi bùng lên ngọn nến trong mình. Dù rằng mình biết, đốt cháy mình như thế sẽ đau đớn lắm, sẽ xót xa lắm, nhưng ngọn nến mà không đốt mình thì biết làm gì hơn ngoài việc bị vứt vào sọt rác?! Mình sẽ không biến mình thành rác, và thầm động viên, cố lên, dù gió có to, ta cũng không được tắt.
Cảm ơn Thầy, đã cho em thêm dũng khí. Ngày mai đã là ngày bắt đầu cho chuỗi thử thách tiếp theo rồi. Cứ ngang nhiên mà cháy hen Thầy? Em sẽ vững lòng đi theo con đường có Thầy đi trước. Cảm ơn Thầy.
Lòng vẫn ước ao không có những cơn gió lớn. Ôi, ngày mai, tôi sợ ngày mai!!!
Ngày mai học trò tôi sẽ có bao nhiêu đứa nghỉ học? Bao nhiêu đứa trợn trừng mắt nhìn tôi thốt ra những lời vô lễ? Bao nhiêu đứa ngang nhiên đi qua trước mặt tôi không cúi đầu chào? Bao nhiêu đứa không mang sách giáo khoa, không chép bài, ngồi bấm điện thoại trong lớp? Buổi học sau bao nhiêu đứa trả lời : Em không thuộc bài? Tôi phải làm sao, dù cháy hết mình vẫn không soi sáng nổi những góc tối???
Gỡ mớ bòng bong
Vậy là năm học mới đã nhanh chóng đi qua được hai tuần. Bao nhiêu nỗi lo rối tung như mớ bòng bong trong lòng giờ có vẻ như đang được dần tháo gỡ.
Những ngày đầu tiên nhận lớp chủ nhiệm, lòng mình héo hắt lắm. Mình lo lại phải từng phút từng giây suy cơ tính kế trị mấy tên “tiểu yêu đáng ghét”, phải canh, phải giữ không cho chúng vi phạm nội quy nhà trường. “Chia buồn với chị nghe”, “Không, trong em không có chút xíu tình cảm gì với cái lớp này cả!”, “Em không muốn dạy hay gặp lại cái lớp này”… là lời các cô giáo khi nói đến cái bọn “tiểu yêu” mà mình đang “cai quản”. Theo mình thấy, họ là những cô giáo trẻ yêu nghề, yêu trò và được trò yêu. Vậy mà…Mình ngỡ ngàng lắm. Cái lớp này có vấn đề nghiêm trọng đến thế sao? Mình ôm nỗi lo từ những câu nói ấy. Và quyết định bám lớp, tìm hiểu các em, nhất định mình phải tìm ra câu trả lời.
Hai tuần trôi qua, trừ hai ngày chủ nhật, là mười hai ngày mình có mặt ở trường, dù có hôm không có tiết dạy.
Là một buổi nói chuyện nghiêm túc về việc chọn ngành nghề sau khi ra trường của các em.
Là một buổi nổi khùng, gằn giọng: 11 em nghỉ học không phép đứng lên coi, với tôi, hoặc đi học nghiêm túc, chấp hành nội quy nhà trường, hoặc là nghỉ học, là bị đuổi khỏi trường đó, rõ chưa? Xuống thư viện viết bản kiểm điểm, xong xuống quét rác sân trường!!!
Là một buổi dạy các em hát “Proud of you”, nothing can stop me spread my wings so wide, và cùng các em hát “ngày đó ngày đó sẽ không xa xôi, và chúng ta là người chiến thắng… dù ta biết dẫu lắm thác ghềnh cheo leo trên đường xa, vượt gian nan ta vươn tới những đỉnh cao…
Là một buổi cùng Ban cán sự lớp đến thăm nhà 4 học sinh thường xuyên nghỉ học, để hiểu thêm cái vất vả đường xa đạp xe đến trường của các em.
Là một buổi nọ tâm tình: Cô bắt đi quét rác vậy có ghét cô không?!
Mình nhận được những phản hồi tích cực từ các em qua lời khen của các thầy cô giáo bộ môn của lớp, qua những buổi học ít vắng hơn và không vắng em nào trong suốt cả buổi học sáng nay. Phải chăng mình đã làm được điều gì đó? Thấy vui dù lòng vẫn đầy hoài nghi.: đó là sự thật hay chỉ là lớp vỏ đậy bên ngoài? Để rồi một hôm cái nhọt đầy mủ vỡ bung ra? Mình thắt lòng khi nghĩ đến đấy. Thôi mặc kệ, hãy cho đi, cho đi tấm lòng của bạn. và đừng cầu mong gì cả, cứ mặc kệ cho gió cuốn đi….
Mình trở nên là một cô giáo dịu dàng như chưa bao giờ dịu dàng hơn. Mình yêu học trò, yêu công việc, cảm nhận được sự thú vị của công việc mình đang làm. Đầy thách thức. Mình cảm nhận được cảm giác khi làm một người THẦY đúng nghĩa: hy sinh và vị tha, không một mảy may hờn trách sao lương mình thấp thế, không hề so đo sao mình lại vất vả thế…
Thật sự mình đã học được nhiều điều hay từ ngôi trường- nơi công tác mới này của mình. Bắt đầu từ “Chuyện cây nến” của một thầy giáo dạy Toán, đến những dâng hiến vô tư đầy nhiệt huyết, không một thoáng so đo, của các thầy cô giáo trẻ, cho nghề, cho trường lớp, cho thế hệ măng non…
Đã khuya lắm rồi, nhưng mình chưa ngủ được. Mình hồi hộp nghĩ đến tiết sinh hoạt lớp ngày mai, các em chắc sẽ phấn chấn lắm với trò chơi “Quan tâm đến Thầy- bạn”, tranh nhau trả lời các câu hỏi để giành bằng được phần thưởng của cô…
Lạt mềm buộc chặt
Học sinh lớp mình chủ nhiệm hút thuốc lá ngay tại hành lang lớp học và trong phòng học, phà khói thuốc vào các bạn cùng lớp. Tức điên người. Trong cơn nóng giận, mình đã hét vào mặt chúng nó. Mặt mình lúc đó chắc là cau có, dữ tợn và đương nhiên, xấu xí lắm.
Vài tên khác, cứ nghỉ học suốt. Viết giấy phép cùng chữ ký giả mạo chữ ký của mẹ. Điện cho phụ huynh, mới biết, đi học từ sớm lắm cơ mà.
Bệnh vì tụi nó mất thôi. Trưa về không nghỉ, hì hụi gõ cái mẫu giấy cam kết dành cho phụ huynh. Gõ thêm cái báo cáo và đề nghị Hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý kỷ luật học sinh nữa.
Chiều lên trường, tính xin vài giấy mời phụ huynh nhưng nghĩ lại, thôi, căng quá cũng khó về sau. Ngang chỗ thầy Thời đang nói chuyện với thầy Nguyên, nghe thầy nói: Lạt mềm buộc chặt…
Chợt giật mình. Câu này mình đã nghe thầy khuyên một lần.
Và chợt như trút đi được gánh nặng. Âu lo, sầu muộn vì công tác chủ nhiệm lớp như đám mây đen bị gió thốc vào, thổi tan ra, tan ra..., tan ra,…
Để lại một khoảng trời trong.
Lạt mềm buộc chặt.
Lạt mềm buộc chặt.
Vừng ơi, mở ra!!!
Điều ước của cô
Giờ sinh hoạt lớp, lúc tổ trưởng tổ 2 đang chuẩn bị trò chơi sinh hoạt, cô tranh thủ …lấp khoảng trống “Cô đố các em một câu nè…”
Cả lớp nhao nhao: “Cô đố đi cô! Cô đố đi cô!”
Cô nhỏ : Vậy chứ đố các em, cô ước điều gì nhất?
Tụi nhỏ: _ Cô ước lớp mình đoàn kết!
_ Cô ước lớp mình xếp vị thứ nhất trường!
…………
Cô nhỏ: Không phải. Đó chỉ là điều cô muốn thôi. Không phải điều cô ước.
Tụi nhỏ:
Cô ước chi ta? Cô ước chi rứa cô?
Cô nhỏ: Cô ước chi…
Tụi nhỏ: (nín thở…)
Cô nhỏ:…. cô được trẻ lại như các em.
Tụi nhỏ:
(tròn mắt nhìn nhau rồi lại nhìn cô, tiếp tục…nín thở)
Cô nhỏ: Các em biết không, sau năm mười tám tuổi là người ta làm người lớn mãi cho đến hết đời. Khoảng thời gian làm người lớn quá dài so với thời gian làm trẻ thơ. Cô khuyên các em hãy trân trọng từng phút giây của tuổi trẻ, đừng để sau này phải hối tiếc. Tuổi trẻ là khi trí óc các em minh mẫn nhất, học đâu nhớ đó. Là khi sức khỏe các em dồi dào nhất, tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu mà. Là khi các em có được vẻ đẹp trong sáng nhất, vẻ đẹp mà những người lớn như cô luôn ước ao có được. Vậy nên, không được lãng phí những ưu thế của các em. Hãy để cho trí óc minh mẫn của các em được học điều hay lẽ phải, để đôi tay khỏe mạnh của các em được lao động miệt mài, giữ cho vẻ đẹp của các em luôn được trong sáng…
Tụi nhỏ: (nuốt từng lời cô nói…)
Cô nhỏ: Vậy mà cô không hiểu sao vẫn có bạn ưng làm người lớn, làm cho mình già trước tuổi bằng việc hút thuốc lá….
Tụi nhỏ: (chỉ vào một tên) Đây nè cô! (và cười rộ lên)
Cô nhỏ: …uống rượu…
Tụi nhỏ: (chỉ vào tên khác) Đây nữa nè !
Cô nhỏ: …mặc áo phanh ngực đi nghênh ngang…
Tụi nhỏ: Đó kìa! Đây nữa nè!
Cô nhỏ: … dập tóc, nhuộm tóc…
Tụi nhỏ: Đó kìa cô kìa! Nói có sách mách có chứng luôn!
Cô nhỏ: Có em còn xài tiền phung phí, những đồng tiền mồ hôi nước mắt của ba mẹ, vất vả lắm mới kiếm được. Nếu giỏi thì các em không nên thế, phải lo học để sau này có việc làm tốt, kiếm được nhiều tiền và lúc đó tiêu chính đồng tiền mình làm ra bao nhiêu tùy thích!
Nói rồi cô nhìn quanh, vài nhóc gục gặc, vài tên liếc trộm cô rồi cúi đầu cười ngỏn ngoẻn, ra chiều xấu hổ. He he… cô khoái, vì chiêu lừa ngoạn mục bằng câu đố của mình…
* Hồng Duyên ký sự