Giới thiệu bài viết nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trường

   TRƯỜNG THPT NGUYỄN HIỀN - 10 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
                                                                       Hà Văn Ngọc.

Ngày 31/08/2009, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định chuyển đổi trường THPT Nguyễn Hiền từ loại hình trường bán công thành trường công lập. Quyết định này diễn ra vào thời điểm khi thầy và trò đang háo hức chuẩn bị cho lễ kỷ niệm tròn 10 năm ngày thành lập trường.

          Nhìn lại 10 năm đối với một ngôi trường hệ ngoài công lập, những “ người thầy đầu tiên” không khỏi chạnh lòng khi nhớ lại những ngày đầu “khai thiên lập địa” thật bộn bề với bao khó khăn trên vùng đất mới.

          Tách từ hệ B của trường THPT Sào Nam, cộng cả đầu vào lớp 10 năm học đầu tiên ấy, trường có tổng cộng 21 lớp và một đội ngũ CB GVCNV còn quá mỏng, trước yêu cầu nhiệm vụ lại quá nặng nề, bức thiết. Chất lượng đầu vào vốn dĩ đã thấp. Thêm vào đó cơ sở vật chất ban đầu khá nghèo nàn. Gần hai năm đầu sử dụng chung 1 cơ sở với trường THCS Nguyễn Thành Hãn. Trong một buổi học, phải dùng đến 2 hiệu lệnh trống khác nhau. Từ phòng học đến phòng họp, phòng làm việc tuy chật chội, xuống cấp nhưng cũng được chia sẽ mỗi hội đồng một nữa diện tích và tài sản công cộng. Tuy tọa lạc bên trục lộ 610, cách khu vực Trà Kiệu đông dân cư chưa đầy 500 mét, nhưng khuôn viên trường còn lắm hoang sơ, trũng thấp. Nguyên thủy từ một nghĩa địa đã được di dời, cải tạo thành khu xưởng sửa chữa các loại máy cày, máy kéo thời còn hợp tác xã, nay cũng trên nền đất ấy trường học lại tiếp tục kế thừa. Những lúc tiết trời nắng nóng hay ẩm thấp, mùi dầu mỡ công nghiệp vốn đã thấm sâu trong lòng đất giờ vẫn còn cứ xông lên nghe nồng nặt.

          Tục ngữ đã có câu “ Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, BGH nhà trường, đứng đầu là thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Tám đã hiệu triệu được tập thể hội đồng giáo dục kết lại thành một khối, với tinh thần quyết tâm cao. Mỗi người hiến kế một ý tưởng, cả đơn vị mau chóng tập hợp, xây dựng thành những giải pháp có tính khả thi. Ngay trong mùa gieo hạt, hái quả đầu tiên, năm học 1999-2000, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trường đã vượt lên trên mặt bằng chung của Tỉnh 0,2%; một giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử 12; Huy chương Bạc giải bóng đá học sinh trong Hội khỏe phù Đổng. Kết quả tuy còn rất khiêm tốn, nhưng đấy là công trình của cả một quá trình thai nghén từ những khó khăn ban đầu của đơn vị. Trên đà kết quả ấy, cứ mỗi năm học qua đi, thầy trò lại tiếp tục gặt hái thêm những mùa sai quả khác trong dạy - học và cả trong phong trào.

          Tưởng chừng như mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió, đến thời điểm những năm 2003, năm 2004 Luật giáo dục tuy chưa ban hành nhưng những tin đồn về sự chuyển đổi trường ngoài công lập sang mô hình trường tư thục đã đã làm dao động nhiều người. Vì mưu sinh, trong số những người tiên phong lên đây lập nghiệp, nay đành phải xa đồng môn xuống núi (trường THPT Nguyễn Hiền thuộc khu vực miền núi ). Có 1001 lý do để được chuyển công tác trở về lại trường cũ hoặc đi nơi khác. Trong thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy, thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Tám đã từng tâm sự với bao nỗi niềm “ Mình muốn giữ lại cũng không được, tất cả là tại bởi cơ chế, làm sao dám hứa là đảm bảo tương lai cho họ. Đành chấp nhận, nhưng mình cần tinh chứ không cần lượng, còn được bao nhiêu ta hợp sức xây bấy nhiêu, hết gian nan rồi sẽ đến công kỳ”

          Quả đúng như vậy, trong thời điểm thách thức ấy, nhiệm vụ đặt ra đối với Chi bộ và BGH  là đã coi trọng và làm tốt công tác tư tưởng trong đội ngũ, giữ vững lập trường, cần khẳng định được vị trí của người thầy, đồng thời cũng cần phải thỏa mãn dư luận đang trông chờ vào kết quả giáo dục của nhà trường. Lúc này yếu tố con người đã được đặt lên hàng đầu. Do cơ chế của trường ngoài công lập, hệ bán công nên bản thân trường còn phải tính toán, cân đối trong các khoản thu, chi sao cho hợp lý. Những vấn đề  bức thiết như đầu tư cho con người, lương và các khoản phụ cấp, tiền tăng thay, công tác phí đã được giải quyết kịp thời, trả đủ cho CB GV CNV. Đây là một biểu hiện cố gắng rất lớn của cán bộ quản lý và sự cộng đồng cùng chia sẽ trách nhiệm của tập thể giáo viên, công nhân viên trong Hội đồng giáo dục.

          Đất lành chim đậu, đội ngũ giáo viên ngày một đông hơn, con số nay đã tăng lên 70 người. Nhiều thầy cô giáo đã có thâm niên trong bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải, giảng dạy có nhiều học sinh thi đỗ đại học, như các thầy giáo Võ Văn Phước, Nguyễn Kim Chương, Lê phước Dũng, Trần Thị Tuyết, Nguyễn Văn Thời, Đặng Công Đức, Võ Thanh Tuấn .v.v.

          Trong học sinh, xuất hiện nhiều gương điển hình vươn lên học tốt, rèn luyện tốt, thể hiện qua nhiều lớp thế hệ học sinh ra trường đã trưởng thành, như em  Nguyễn Ngọc Tấn, niên khóa 1999-2000, nay đã là Thạc sĩ, một doanh nhân thành đạt tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời Tấn cũng đã xây dựng một cơ sở khám chữa bệnh từ thiện miễn phí tại quê nhà.; em Nguyễn Miên Viễn, niên khóa 2003-2004, sau khi tốt nghiệp Học viện Sân khấu điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, Viễn đang tiếp tục theo học để lấy Bằng 2 đại học; em Lê Thị Hoanh, niên khóa 2006-2007, đạt giải khuyến khích Quốc gia cuộc thi Chúng em với bảo hiểm y tế Việt Nam; em Phạm Quang Hòa đã dũng cảm cứu người thoát chết trong cơn lũ lịch sử năm 1999 v.v. Sự thành đạt của nhiều thế hệ học sinh là câu trả lời về chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Hằng năm, học sinh khối 12 thi đỗ tốt nghiệp THPT luôn vượt trên mặt bằng chung của Tỉnh từ 5 đến 11%; thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ-THCN những năm gần đây đạt 40,4% và hơn 35 lượt học sinh thi đạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa cấp Tỉnh, cùng với nhiều giải cá nhân, đồng đội trong phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT.

          Trong chặng đường suốt 10 năm đã đi qua, ngoài sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ quản lý, GV CNV và các thế hệ học sinh, trường THPT Nguyễn Hiền còn đón nhận được sự quan tâm theo dõi chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền, lãnh đạo Sở GD&ĐT và các nhà hảo tâm. Cơ sở vật chất đang tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; phòng học đã được kiên cố hóa, dầy đủ phòng bộ môn, đồ dùng thiết bị đã đáp ứng được cơ bản những yêu cầu trong đổi mới dạy - học theo hướng tiếp cận hiện đại. Cảnh quang sư phạm đã thật sự thay da đổi thịt. Sân trường phần lớn đã được bê tông hóa và được che phủ một màu xanh của những tán lá bàng, phượng, hoa sữa. Đây là kết quả bởi công sức đóng góp của học sinh trong việc xây dựng công trình thanh niên qua nhiều năm.

          Từ những nỗ lực cố gắng rất lớn của thầy và trò trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, kết quả đã được đền đáp xứng đáng. Chi bộ liên tục qua các năm đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh; Công đoàn vững mạnh xuất sắc; Đoàn thanh niên được Tỉnh đoàn tặng cờ đơn vị liên tục nhiều năm liền dẫn đầu khối ngoài công lập về công tác Đoàn, phong trào thanh niên và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Về phía trường, thành quả qua nhiều năm đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc, đã được UBND tỉnh Quảng Nam tặng cờ dẫn đầu năm 2007; vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong năm học 2008-2009. Đây là những phần thưởng xứng đáng tiếp tục động viên thầy trò trường THPT Nguyễn Hiền thẳng bước vươn lên.

          Nhìn lại 10 năm qua, khó khăn cũng nhiều, song sự nghiệp giáo dục của nhà trường cũng đã gặt hái được những kết quả không phải là ít. Quyết định của UBND tỉnh chuyển chính thức trường THPT Nguyễn Hiền sang loại hình công lập đã mở ra bao hứa hẹn tràn đầy. Phụ huynh đồng tình; thầy cô hưng phấn; học trò xóa đi được những mặc cảm. Chất lượng đầu vào những năm đến chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể. Công tác tuyển sinh sẽ cạnh tranh bình đẳng như bao trường khác, không còn cảnh vội vã thu nhận hồ sơ để kịp ngày khai giảng. Những gánh nặng của gia đình học sinh về mức đóng góp chênh nhau quá lớn giữa hai loại hình trường như bấy lâu sẽ không còn nữa. Thầy cô giáo cũng sẽ yên tâm cống hiến, đóng góp trong sự nghiệp trồng người, khi mọi đối xử đã trở nên công bằng. Đội ngũ sẽ tiếp tục được bổ sung để đảm bảo tính ổn định gánh vác nhiệm vụ lâu dài.

Dựa trên những kết quả đã đạt được và trước những thuận lợi do xu thế mang lại, nhất định trường THPT Nguyễn Hiền sẽ tiếp tục đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.Xứng đáng với niềm tin yêu bấy lâu nay của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.

  * Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Xuân - năm 2011, huyện Duy Xuyên.