KẾ HOẠCH XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC - NĂM HỌC: 2020-2021

                                            ---------------------------------------------------------------


          Thực hiện theo kế hoạch số 440/KH-UBND ngày 12/8/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về xây dựng “Trường học hạnh phúc” tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ vào theo công văn hướng dẫn số 2142/SGDĐT-GDTrH ngày 8/12/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam về việc triển khai xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Trường THPT Nguyễn Hiền thực hiện kế hoạch xây dựng “Trường học hạnh phúc” với những nội dung cụ thể như sau:


I. MỤC TIÊU

Giúp cho CBGV, NV đang công tác trong nhà trường có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng trong việc tạo dựng, duy trì nhà trường mà ở đó học sinh, CBGV, NV được yêu thưong, được tôn trọng, được an toàn được hiểu và được có giá trị; nói rộng hơn là phát triển môi trường nhà trường thân thiện, văn minh, cùng hợp tác vì sự phát triển bền vững trong bối cảnh đối mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo hiện nay.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giúp giáo viên nhận thức được sứ mệnh của người thầy, luôn luôn tự học, tìm tòi, sáng tạo, đặc biệt chú ý đến “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức giáo viên vì một trường học hạnh phúc".

          II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Triển khai các tiêu chí về một trường học hạnh phúc đến cán bộ, giáo viên và học sinh: Có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi để xây dựng trường học hạnh phúc là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

          1.1. Yêu thương

        - Thứ nhất là sự thấu hiểu: Thầy, cô thấu hiểu nhau, cùng xây dựng môi trường thân thiện, thầy cô thấu hiểu học sinh, học sinh thấu hiểu thầy cô và học sinh thấu hiểu học sinh.

  - Thứ hai là sự quan tâm, chia sẻ: quan tâm đến đồng nghiệp, quan tâm đến học trò và học sinh quan tâm đến nhau. Mỗi người có thuận lợi, khó khăn riêng. Do đó sự chia sẻ cho đi, nhận lại sẽ tạo ra một sự gần gũi và gắn kết mọi người với nhau.

          - Thứ ba là sự tin tưởng lẫn nhau: Thầy, cô tin tưởng đồng nghiệp, tin tưởng học sinh và ngược lại hoài nghi, đố kỵ sẽ không có được hạnh phúc.

          - Thứ tư là sự hỗ trợ: Hỗ trợ về tinh thần bằng sự chia sẻ và hỗ trợ về vật chất bằng sự giúp đỡ.

          - Thứ năm là sự bao dung: Không ai có thể hoàn hảo, không ai tránh khỏi sai lầm nhưng khi đã có sự bao dung thì mọi việc sẽ được nhìn nhận rất nhẹ nhàng.

          - Thứ sáu là tinh thần đoàn kết: Tập thể hội đồng giáo dục và học sinh nhà trường phải là một khối thống nhất vì mục tiêu chung xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc”.

              1.2. An toàn

          - Trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên và học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.

          - Nhà trường không có bạo lực học đường.

          1.3. Tôn trọng

          - Cần tôn trọng sự khác biệt, bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, không đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.

          - Tôn trọng sự khác biệt để phát huy sáng tạo và đổi mới.    

2. Một số giải pháp “Xây dựng trường học hạnh phúc”

          2.1. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện

          - Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp cảnh quan, môi trường thân thiện.

          - Có công trình vệ sinh, nước sạch và các công trình xây dựng khác bảo đảm an toàn, thân thiện, dễ tiếp cận, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người sử dụng.

          - Bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng chống thảm họa, thiên tai.

          - Xây dựng công khai và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường.

          - Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng, hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, phù hợp với độ tuổi, đặc điểm sinh lý, tâm lý của học sinh THPT.

          - Thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường.

          - Trang trí lớp học, khuyến kích xây dựng tủ sách lớp học, trang trí lớp học xanh góp phần tạo dựng lớp học hạnh phúc.

            2.2.Thầy cô giáo thay đổi vì trường học hạnh phúc

          - Thầy cô giáo phải yêu nghề, yêu thương học sinh.

          - Thầy cô giáo cần phải làm chủ được bản thân, khi làm chủ được bản thân, thầy cô sẽ có năng lượng tích cực và định hướng học sinh phát triển theo hướng tích cực.

          - Thầy cô giáo là người gieo trồng hạnh phúc, khi thầy cô có tư tưởng, thái độ thay đổi tích cực, biết vận dụng các kỹ năng sư phạm sẽ giúp học sinh vui vẻ khi đến trường. Giáo viên chính là người truyền lửa và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến học trò của mình. Muốn trò thay đổi thì trước tiên thầy cô phải thay đổi từ tư tưởng, lối sống đến các phương pháp dạy học tích cực và có kỹ năng ứng xử sư phạm tốt.

            2.3. Thực hiện tốt tư vấn tâm lý học đường

          - Mỗi giáo viên là một cán bộ tư vấn tâm lý, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm là người nhận diện ra những khó khăn tâm lý mà học sinh thường gặp phải, để từ đó cùng tìm ra những biện pháp hỗ trợ tâm lý kịp thời cho các em. Giáo viên cần phải trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản, cần thiết (kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng phản hồi...) và giúp học sinh vượt qua những khó khăn mà các em phải đối mặt trong quá trình học tập.

- Thành lập và phát huy tổ tư vấn học đường, phân công giáo viên kiêm nhiệm thường trực làm công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh.

          2.4. Tổ chức dạy học, hoạt động, kiểm tra đánh giá học sinh

          - Một là, tiếp tục đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Các hoạt động không chỉ nằm trong khuôn khổ lớp học mà còn được tổ chức ngoài khuôn viên trường lớp, giúp học sinh cảm nhận sâu sắc về thế giới tự nhiên xung quanh. Các môn học được biến hóa thành bài học thú vị qua những trò chơi, trải nghiệm.

          - Hai là, các thầy cô giáo tạo điều kiện để các em được lên tiếng và được lắng nghe một cách đầy tôn trọng. Thay vì la mắng, dọa dẫm, hãy cho các em được sai lầm, được nói ra cảm xúc của mình trong môi trường học đường. Điều đó sẽ giúp trẻ tiếp thu tốt hơn, tự tin và hòa đồng hơn. Tôn trọng cảm xúc là một trong những yếu tố tạo nên lớp học hạnh phúc. Làm sao phải nhìn thấy được những thành công và phẩm chất mà các em có chứ không phải là nhìn thấy thứ mà học sinh mình đang yếu, đang thiếu.

          - Ba là, nhà trường thay đổi nội dung và cách thức sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng, thay bằng việc đánh giá nhận xét hoặc phê bình thì học sinh sẽ được cùng nhau trao đổi, chia sẻ theo một chủ đề gợi mở nào đó của giáo viên chủ nhiệm hoặc khuyến kích  học sinh được tham gia các tiết đọc sách thư viện, xây dựng thói quen và từng bước phát triển kỹ năng đọc…Trong quá trình tổ chức các hoạt động cho học sinh, thầy cô giáo luôn có ý thức giáo dục các em bằng lòng yêu thương và giúp các em hình thành nên lòng biết ơn và công nhận những điều tích cực từ bạn bè.

          - Bốn là, đổi mới kiểm tra đánh giá đảm bảo yêu cầu đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng. Giáo viên cần định hướng ôn tập cuối mỗi học kỳ sao cho hạn chế tối đa lối học vẹt, học tủ, học đối phó; giúp học sinh xác định đúng được động cơ học tập của bản thân, tạo động lực nhưng không gây áp lực cho học sinh.

          5. Tác động có hiệu quả đến phụ huynh để họ chủ động và có trách nhiệm tham gia quá trình giáo dục

          Các giải pháp để phụ huynh hiểu và thực hiện được các yêu cầu sau:

          - Việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất và năng lực nhằm giúp học sinh phát triển nhân cách một cách toàn diện là một quá trình lâu dài liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, liên quan rất nhiều đến các mối quan hệ xã hội phức tạp. Vì thế, việc giáo dục học sinh trung học phổ thông  luôn luôn đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng xã hội và nhất là đòi hỏi sự quan tâm đúng cách của gia đình. Khi thiếu sự phối hợp đúng đắn, thiếu sự thống nhất tác động giáo dục giữa nhà trường và gia đình thì hậu quả xấu trong giáo dục sẽ xuất hiện, nếu không kịp thời khắc phục hậu quả sẽ rất tai hại.

          - Khi các em vào trường THPT Nguyễn Hiền, các bậc cha mẹ phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi như giúp các em rèn luyện các nề nếp thói quen học tập, vệ sinh, mua sắm đồ dùng học tập đầy đủ, các kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ…

          - Các bậc cha mẹ cần quan tâm xây dựng một gia đình mà trong đó mọi thành viên có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau. Xây dựng một phong cách sinh hoạt có nề nếp, phù hợp nhu cầu hứng thú nhằm phát huy những mặt tích cực của học sinh. Đặc biệt người lớn phải giữ uy tín, vai trò gương mẫu của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

6. Tổ chức các hoạt động giáo dục liên quan đến nội dung “trường học hạnh phúc”

- Tổ chức các hoạt động giáo dục kết nối bản thân học sinh: Ứng xử với chính mình, giúp bản thân học sinh nhận ra cảm xúc của mình, điều chỉnh cảm xúc và đạt những mục tiêu tích cực.

- Tổ chức các hoạt động giáo dục kết nối người học với người khác:

- Giáo  dục  cho  học  sinh  ứng  xử  với  người  khác giúp cá nhân phát triển sự cảm thông đồng  cảm thấu  cảm  với  người  khác,  biết duy trì các mối quan hệ một cách tích cực có trách nhiệm với bản thân. 

- Tổ chức các hoạt động giáo dục kết nối học sinh với thiên nhiên: Giáo dục học sinh học cách tôn trọng và bảo vệ môi trường và sống hòa hợp với thiên nhiên

III.TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với Ban giám hiệu

- Các đồng chí Phó hiệu trưởng được phân công  kiểm tra giám sát việc thực hiện của giáo viên, của các lớp hàng ngày, tuần, hàng tháng có báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch xây dựng “ Trường học hạnh phúc” về  Hiệu trưởng.

- Tiến hành tổng kết, khen ngợi những tập thể lớp, giáo viên, nhân viên thực hiện tốt.

- Báo cáo kết quả với lãnh đạo cấp trên.

2. Đối với tổ chức Công đoàn

- Động viên, thúc đẩy công đoàn viên thực hiện tốt các hoạt động mà kế hoạch đã đề ra;

- Vận dụng nội dung các chủ đề nêu trên để tổ chức các hoạt động thiết thực trong các dịp sinh hoạt công đoàn.

- Phối hợp BGH kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch xây dựng    “Trường học Hạnh phúc”. Phân công cán bộ công đoàn  kiểm tra giám sát việc thực hiện của các giáo viên, của các lớp hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng có báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch xây dựng “ Trường học Hạnh phúc” cho Chủ tịch Công đoàn.

3. Đối với tổ chức Đoàn Thanh niên

- Tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về các nội dung xây dựng chủ đề trường học hạnh phúc hằng tuần dưới cờ.

- Phối hợp với GVCN các lớp tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng theo các chủ đề nêu trên.

- Tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện đối với các lớp, hàng tháng có báo cáo tình hình thực hiện về lãnh đạo trường. (Báo cáo vào ngày cuối tháng hàng tháng).

- Tiến hành tổng kết, khen ngợi những tập thể lớp thực hiện tốt kế hoạch.

4. Đối với Tổ chuyên môn

- Chỉ đạo các tổ viên bám sát theo các chủ đề để tổ chức thực hiện, chỉ đạo tích hợp vào các tiết lên lớp; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ viên.

- Cuối  tháng, học kỳ các tổ chuyên môn tổ chức nhận xét, đánh giá việc thực hiện kế hoạch xây dựng “Trường học hạnh phúc” của từng tổ viên trong tổ.

5. Đối với giáo viên

- Mỗi giáo viên căn cứ vào kế hoạch chung của nhà trường và nhiệm vụ được phân công để xây dựng kế hoạch thực hiện của cá nhân mình.

- GVCN có nhiệm vụ thực hiện tốt các nội dung đã nêu ở trên phối hợp với giáo viên bộ môn, Bí thư đoàn TN, cha mẹ học sinh của lớp trong việc thực hiện các hoạt động nói trên.

- GVCN viết giấy mời từ 1 đến 2 cha mẹ học sinh tham gia các hoạt động nói trên vào giờ sinh hoạt lớp.( nếu cần thiết)

- Hàng tháng có báo cáo tình hình thực hiện về lãnh đạo trường.

- Đề xuất  khen ngợi những giáo viên thực hiện tốt.

6. Đối với học sinh: Thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch hoặc có những ý tưởng sáng tạo đề xuất với GVCN.

7. Kinh phí tổ chức

- Theo chế độ theo chi tiêu nội bộ năm 2021.

- Các bộ phận có liên quan lập kế hoạch và dự trù kinh phí hoạt động trình Hiệu trưởng phê duyệt.

Trên đây là kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện xây dựng “Trường học hạnh phúc” năm học 2020-2021 của nhà trường. Đề nghị CBGV-NV, học sinh thực hiện nghiêm túc nội dung kế hoạch đã đề ra.

                                                                                                                                                                  HIỆU TRƯỞNG

                                                                                                                                                                         (Đã ký)

                                                                                                                                                                   Hà Văn Ngọc

Nơi nhận:

- Sở GD&ĐT (để báo cáo);

- Hiệu trưởng, PHT (để chỉ đạo);

- CBGV-NV-HS (thực hiện);

- Niêm yết bảng tin, đăng Website;

- Lưu VP.

 TẢI FILE ĐÍNH KÈM