Chính sách đối với nhà giáo: Bất cập từ Nghị định 54
Chính sách đối với nhà giáo: Bất cập từ Nghị định 54
Hiện trong ngành giáo dục đang xuất hiện tình trạng linh hoạt hợp thức hóa các tiêu chuẩn để nhà giáo được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước. Sự linh hoạt đó suy cho cùng là xuất phát từ những bất cập của Nghị định 54.
Linh hoạt
Trưởng phòng GD-ĐT một địa phương kể: “Trong nhiều năm qua, việc điều động cán bộ quản lý hoặc giáo viên có năng lực về công tác tại phòng rất khó. Vì vậy, trước thềm năm học mới 2011-2012, sau khi thuyết phục được một cán bộ là hiệu trưởng trường THCS đồng ý chuyển công tác, lãnh đạo phòng GD-ĐT mừng thầm. Tuy nhiên, đúng một tuần lễ sau khi Nghị định 54 (4.7.2011) của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo ban hành, vị hiệu trưởng này tìm gặp lãnh đạo phòng đề đạt nguyện vọng xin ở lại trường. “Các anh thông cảm! Trước đây khi nhận lời về phòng là tôi đã chấp nhận chịu mất phụ cấp đứng lớp, nhưng nay thì mất thêm nguồn phụ cấp thâm niên vừa được Chính phủ ban hành. Lương nhà giáo đã thấp, mất nguồn thu nhập từ cả 2 khoản phụ cấp tương đương với tiền lương của mình thì thiệt thòi cho tôi quá!” - vị hiệu trưởng giải thích. Nghe những lời than thở đầy lý đủ tình đó, chúng tôi không nỡ điều động và đành chấp nhận hủy bỏ quyết định đã ký”.
Trong khi đó, việc chuyển cán bộ từ phòng xuống trường giảng dạy cũng được linh hoạt thực hiện. Một số cán bộ trẻ nguyên trước đây là giáo viên ở các trường, thời gian giảng dạy chưa đủ 5 năm (60 tháng) được điều chuyển về công tác tại phòng GD-ĐT, nay lại được điều động về trường giảng dạy. Theo Nghị định 54, những người có thời gian giảng dạy chưa đủ 60 tháng sẽ không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, nên bây giờ họ được điều về trường cho đủ thời gian quy định rồi sẽ được... rút lên lại phòng. Cạnh đó, để tạo điều kiện cho cán bộ được hưởng phụ cấp đứng lớp, không ít đơn vị linh hoạt giải quyết bằng việc luân chuyển về trường học một thời gian, sau đó ra quyết định trưng tập. Cán bộ quản lý, giáo viên trưng tập nghiễm nhiên không thể mất những chế độ phụ cấp mà Nhà nước đã quy định. Vả lại, sau này có điều giáo viên từ trường lên phòng cũng dễ dàng.
Khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn
Theo các nhà quản lý giáo dục, phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên là một chính sách hợp cả lý lẫn tình nhằm tăng thêm thu nhập, giúp cải thiện cuộc sống cho nhà giáo trực tiếp đứng lớp. Tuy nhiên, giữa chính sách và thực tiễn còn rất nhiều vấn đề bất cập mà nếu không có sự giải quyết hài hòa sẽ nảy sinh không ít vướng mắc. Cụ thể, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 54, các cấp quản lý giáo dục gặp rất nhiều khó khăn không chỉ trong việc điều động giáo viên lên phòng hay sở mà cả việc cán bộ đang công tác tại phòng, sở có nguyện vọng xin chuyển về trường. Ông Bùi Tấn Nhã - Phó phòng GD-ĐT Tam Kỳ nhận xét, điều chuyển cán bộ quản lý hay giáo viên lên phòng sau khi có Nghị định 54 càng thêm khó vì họ mất nguồn thu nhập nhiều quá. Theo thống kê chưa đầy đủ của người viết, chỉ trong 2 năm gần đây đã có không dưới 20 cán bộ cấp sở và phòng xin chuyển công tác về lại trường. Ngược lại, cũng có hàng chục người từ chối khi được đề nghị chuyển lên sở, phòng làm công tác quản lý.
Lãnh đạo một phòng GD-ĐT cho rằng, tình trạng linh hoạt để cán bộ của đơn vị mình được hưởng chế độ chính sách không phải là cá biệt ở một số cá nhân hay vài đơn vị mà đang phổ biến ở nhiều nơi. Cán bộ quản lý hay giáo viên giỏi mới được chọn để điều động về phòng, tuy nhiên bất hợp lý ở chỗ tự dưng họ bị mất 2 khoản phụ cấp (đứng lớp và thâm niên) tương đương với tiền lương. Vì thế, bằng cách này hay cách khác, nhiều cấp quản lý giáo dục đã ra tay “giúp đỡ”. Theo ông Lê Tú - nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quế Sơn, nếu không tạo điều kiện như vậy thì thiệt thòi cho cán bộ, giáo viên, hơn nữa, không ai muốn lên phòng và cũng chẳng mấy người thiết tha ở lại làm công tác quản lý. Ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GD-ĐT cũng thừa nhận, trước đây những cán bộ, giáo viên khi chuyển công tác về phòng hay sở đều được giữ nguyên mức phụ cấp 20%, nhưng đến năm 2005 khoản phụ cấp này bị cắt khiến nhiều người không muốn về.
Nghị định 54 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã tạo ra bầu không khí phấn khởi trong đội ngũ nhà giáo, giúp họ cải thiện cuộc sống và hết lòng với công việc. Tuy nhiên, đằng sau đó là không ít nỗi niềm mà những cán bộ cấp phòng, sở mới thấu hiểu khi họ nói rằng “chúng tôi không còn là nhà giáo dù hằng ngày đang làm công việc của sự nghiệp giáo dục”. Chừng nào chưa giải quyết được bất cập này thì chừng đó những khó khăn trong việc điều động cán bộ quản lý, giáo viên giỏi sang làm công tác quản lý cấp phòng, sở cũng như “hội chứng” xin về trường vẫn sẽ còn.
XUÂN PHÚ(Báo quảng nam)