Không biết mặt bàn học sinh ở các thành phố lớn như thế nào chứ ở quê tôi luôn đầy chữ viết, hình vẽ mà những người tử tế nhìn vào thấy phát ngượng. Những “tác phẩm tuổi học trò” này làm đau đầu thầy cô giáo vì không biết tác giả cụ thể là ai.
Tuổi học trò có biết bao điều dễ thương và cũng bấy nhiêu điều kỳ lạ. Học văn thì dở nhưng lại “thích” làm thơ. Anh văn chỉ bập bẹ nhưng viết và nói tiếng bồi như… gió. Những câu chữ ấy lại “trút” không thương tiếc trên mặt tường, bàn ghế, hộc bàn… Có người nói vui rằng: Có một dòng “văn nghệ bàn ghế” trong thế giới học trò.
Bây giờ bước vào bất cứ phòng học nào ở trường phổ thông quê tôi, thấy không mặt bàn ghế nào được xem là sạch sẽ. Ở đó xuất hiện đầy đủ những thể loại “văn xuôi”, “thơ ca” và cả “hội họa” nữa.
Ngôn ngữ thể hiện ngoài tiếng Việt còn có tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa… có cả chữ tốc ký tiếng Việt. “Công cụ sáng tác” rất “đa hệ”: bút bi, bút máy, bút chì, bút xóa…. Đề tài mà các tác giả muốn thể hiện cũng phong phú, nhưng tập trung nhiều nhất chuyện muôn thuở vẫn cứ là… tình yêu (dù ở tuổi học trò là hơi sớm).
Dòng “văn nghệ bàn ghế” nay cũng có lắm “triết gia” bào chữa cho đề tài của chúng, chẳng hạn như câu: “Tình yêu là một thực tế khách quan tồn tại ngoài ý muốn của… học trò”. Rất nhiều sáng tác là “cóp-pi” những bậc tiền bối của thơ ca như Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… Đại loại các câu như: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, “Nắng mưa là bệnh của trời. Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, “Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố”.
Còn rất nhiều câu nữa không biết xuất xứ từ đâu, nhưng đọc lên nghe cũng hay hay. Như có lần tôi vô tình đọc được mấy câu thơ trên bàn học sinh ở trường D.Đ: “Nếu mà bên ấy có buồn. Xin theo cánh bướm, chuồn chuồn sang đây”. Những câu thơ có vẻ bâng quơ ấy phần nào cũng phản ánh tâm trạng của các cô cậu chớm chuyện tình yêu.
Chắc hẳn tác giả đã “kế thừa” vào một đoạn thơ của ai đó để nói lên nỗi lòng. Đôi khi ta cũng bắt gặp tâm trạng “thất tình” khi tác giả bị ai đó nói lời từ chối. “Người ta vá áo bằng kim. Người ơi, tôi vá con tim bằng gì?”. Lắm lúc vì quá thất vọng mà “nhà thơ” cũng chẳng cần theo nguyên tắc gieo vần gì cả.“Yêu em hai chữ tình đầu. Ghét em bốn chữ giã từ biệt ly”.
Sau các kỳ thi, bàn ghế lại xuất hiện những lời “bộc bạch” để bào chữa: “Thức đêm mới biết đêm dài. Cóp-pi mới biết được bài người ta”. Bên cạnh dòng “thơ ca bàn ghế” thì văn xuôi và hội họa cũng chẳng thua kém. Về văn xuôi đó là những câu dài được trích dẫn từ bài học, để khi kiểm tra, tác giả chỉ cần nhìn xuống mặt bàn tha hồ viết, không sợ bị phát hiện.
Hay là một cuộc đối thoại “bỏ túi’ của hai người ngồi chung vị trí nhưng ở hai buổi học khác nhau: Bạn tên gì? Sinh nhật ngày tháng nào? Bạn thích màu gì?… Nhiều nhất có lẽ câu… “Anh yêu em”. Một cụm từ hơi khó nói “trắng trợn” nên được thể hiện bằng chữ viết, viết chữ Việt thấy hơi kỳ nên viết tiếng Anh là… chắc cú.
Vì thế mà trên mặt bàn lúc nào cũng thấy xuất hiện “I love you”, và cứ thế liên tục phát triển trên tường, hộc bàn, thân cây… Người viết lắm lúc ghi thẳng thừng: “H love L” chẳng hạn. Còn về hội họa thì hình ảnh mũi tên xuyên thủng trái tim có mấy giọt máu rỉ xuống luôn là đề tài được tuổi học trò thể hiện.
Có những cô cậu học trò nổi máu họa sĩ vẽ chân dung hai người nam nữ, ở giữa có dấu cộng, còn bên dưới ghi tên của hai bạn trong lớp thường ghép đôi nhau. Lắm lúc, nhiều hình ảnh của những nhân vật trong phim hoạt hình và phim truyện cũng xuất hiện trên mặt bàn. Tham khảo dòng “văn nghệ bàn ghế”, không ai tránh khỏi bực mình khi nhìn mặt bàn ghế không còn sạch đẹp.
Có nhiều trường đưa ra biện pháp xử lý nghiêm minh như buộc các em tẩy xóa, kiểm tra sơ đồ lớp học hai buổi để xác định thủ phạm, liên hệ gia đình học sinh… thậm chí là nhà trường xuất kinh phí sơn lại mặt bàn bằng một lớp keo đặc biệt để các em không thể viết chữ lên được.
Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tức thời, về lâu dài, cần giáo dục học sinh ý thức giữ gìn bàn ghế sạch đẹp và xem đó là một trong những điều kiện để xếp loại hạnh kiểm các em.
Theo Dân Việt/Làng Cười